Dự báo triển vọng lạc quan cho thị trường bất động sản châu Á-Thái Bình Dương

Dù phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản châu Á-Thái Bình Dương (TBD) được dự báo có triển vọng phục hồi, hoạt động tốt hơn so với các nước phương Tây.

Một báo cáo mới đây của viện nghiên cứu – giáo dục phi lợi nhuận Urban Land Institute (ULI) và công ty kiểm toán PwC cho biết tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản khu vực châu Á-TBD trong năm nay là không quá lớn, không nghiêm trọng như nhiều khu vực khác trên thế giới. Báo cáo này được tổng hợp dựa trên cuộc khảo sát 391 chuyên gia bất động sản và 134 cuộc phỏng vấn. Những người được hỏi là các nhà đầu tư, đại diện công ty bất động sản, các tổ chức cho vay, môi giới và chuyên gia tư vấn.

Theo báo cáo, các gói kích cầu khổng lồ và chính sách hỗ trợ việc làm của chính phủ nhiều nước đã tạm thời ngăn chặn tác động của những cuộc suy thoái sâu. Ở nhiều nước, người thuê nhà gặp khó khăn cũng được hỗ trợ. Nhờ vậy, thị trường bất động sản châu Á-TBD hoạt động tương đối ổn so với các khu vực khác trên thế giới. Dữ liệu của Real Capital Analytics cho biết dù khối lượng đầu tư vào thị trường này đã sụt giảm 38% so với năm ngoái, giá bán gần như vẫn được duy trì ở mức ổn định.

Tuy vậy, cả người mua và người bán nhà đất ở châu Á-TBD đều gặp khó khăn trong việc định giá bất động sản. Trong khi người mua kỳ vọng đại dịch sẽ khiến tăng trưởng giá chững lại, có thể mua bất động sản với giá thấp hơn thì người bán vẫn còn đủ tiềm lực tài chính nên không muốn bán rẻ mà đặt kỳ vọng kinh tế phục hồi, vượt qua đại dịch. Chính điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về mức giá giữa người mua và người bán.

Dù thị trường châu Á-TBD được dự báo hoạt động tốt hơn so với các khu vực khác, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với suy thoái nên khó khăn là điều chắc chắn sẽ xảy ra với bất cứ ai, từ nhà đầu tư đến các ngân hàng. Tình trạng căng thẳng có thể sẽ xuất hiện, đặc biệt là ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Australia trong năm tới. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra do suy thoái kinh tế vào cuối năm nay. Nghiên cứu của ULI-PwC cho thấy kỳ vọng về khả năng sinh lời của nhà đầu tư tại châu Á-TBD trong năm nay đã giảm xuống gần mức đáy được ghi nhận vào năm 2009 – thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở Trung Quốc, các chủ đầu tư bất động sản quy mô nhỏ đang gặp khó khăn trong việc xin tài trợ từ ngân hàng do thanh khoản bị siết chặt. Còn ở Ấn Độ, sự sụp đổ của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn cho các chủ đầu tư bất động sản. Ở Australia, tác động của đại dịch, tình trạng thất nghiệp tăng và hỗ trợ từ chính phủ hết hiệu lực khiến thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trong khi đó, Singapore, Tokyo và Sydney được đánh giá là ba mảng sáng của bức tranh thị trường bất động sản châu Á-TBD. Cả ba được xếp hạng là những thị trường có triển vọng đầu tư và phát triển hàng đầu khu vực, hứa hẹn là “bến đỗ an toàn trong một môi trường toàn cầu ngày càng thù địch”. Đặc biệt, danh tiếng về sự trung lập của Singapore đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp tìm đến đầu tư, tránh những bất ổn hiện tại ở Hồng Kông.