Thị trường bất động sản châu Á dần phục hồi sau “bão” Covid

Trong nửa cuối năm 2021, thị trường bất động sản thương mại châu Á được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi với các hoạt động đầu tư tăng lên đáng kể bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo Triển vọng Thị trường Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương của CBRE dự báo bước sang năm 2022, giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ dần ổn định, đồng thời nhu cầu thuê văn phòng cũng được cải thiện.

Theo CBRE, các biến thể của virus SARS-CoV-2 dẫn đến các quy định hạn chế mới ở một số thị trường vẫn là rủi ro chính đối với nền kinh tế châu Á nói chung, ngành bất động sản thương mại nói riêng trong vòng 12 tháng tới. Trong đó, đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu tác động lớn hơn.

Tiến sĩ Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường châu Á – Thái Bình Dương của CBRE, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng chính phủ các nước châu Á sẽ duy trì các chính sách tiền tệ phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh. Lãi suất thấp sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các tài sản tích lũy lợi nhuận như bất động sản.”

Nhận định cụ thể của CBRE đối với từng phân khúc của thị trường bất động sản thương mại châu Á trong thời gian tới như sau:

Văn phòng

Năm 2021, hoạt động cho thuê văn phòng đang dần cải thiện khi nhu cầu phục hồi trở lại. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ ròng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào tình hình khởi sắc ở khu vực Bắc Á. Các thị trường trụ vững trong đại dịch như Singapore, Đài Loan và Seoul dự kiến sẽ chứng kiến giá thuê văn phòng hạng A tăng vượt mức trước đại dịch vào năm 2023.

Một số khách thuê lớn có thể trì hoãn quyết định thuê dài hạn cho đến khi có các mốc thời gian rõ ràng hơn đối với kế hoạch trở lại làm việc tại văn phòng. Nửa cuối năm, các điều kiện thị trường văn phòng tại châu Á sẽ tiếp tục có lợi cho khách thuê khi khoảng 60% nguồn cung mới của cả năm được tung ra thị trường.

Về phía chủ đầu tư văn phòng cho thuê, nên ưu tiên tăng công suất cho thuê bằng cách đưa ra các điều khoản hấp dẫn hơn nhằm duy trì lượng khách thuê chất lượng cao. Việc xem xét danh mục đầu tư thường xuyên và cải tiến văn phòng theo xu hướng thị trường sẽ giúp chủ đầu tư đảm bảo dòng tiền từ hoạt động cho thuê trong trung hạn.

Mặt hàng bán lẻ

Doanh số bán lẻ ở hầu hết các thị trường châu Á đã hồi phục hoặc vượt qua mức trước đại dịch trong nửa đầu năm 2021. Do ảnh hưởng của đại dịch, xu hướng tiêu dùng hiện tại tập trung vào các ngành bán lẻ, hàng xa xỉ, quần áo, đồ thể thao.

Nhờ thị trường bán lẻ sôi động, giá thuê mặt bằng bán lẻ trong khu vực sẽ ổn định vào năm 2022. Trong đó, giá thuê tại các siêu thị, khu mua sắm đồ dùng, nhu yếu phẩm hàng ngày có khả năng phục hồi cao hơn.

Logistics

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và thói quen mua sắm qua mạng của người tiêu dùng sẽ đảm bảo cho thị trường bất động sản logistics (hậu cần, kho bãi) hoạt động tốt trong năm 2021. Giai đoạn hiện tại đang chứng kiến sự mở rộng của các nền tảng thương mại điện tử, với mức hấp thụ ròng đạt 3,3 triệu m2 ở châu Á – mức cao nhất từng được ghi nhận.

Trong 6 tháng đầu năm, giá thuê dịch vụ hậu cần tại châu Á tăng trưởng 1,6%, so với cùng kỳ năm ngoái. CBRE đã điều chỉnh tăng dự báo giá thuê cho các thị trường gồm Bắc Kinh, Singapore, Melbourne, Hồng Kông và miền Nam Việt Nam.

Đầu tư

Hoạt động đầu tư bất động sản thương mại tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2021 do các nhà đầu tư triển khai vốn trở lại sau thời kỳ trầm lắng năm 2020. Khối lượng đầu tư đạt 68 tỷ USD trong giai đoạn này, tương đương 63% doanh thu cả năm 2020, phần lớn nhờ các thương vụ mua lại của các quỹ bất động sản hàng đầu, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm,… Mặc dù các biến thể COVID-19 gây nhiều tác động, doanh thu đầu tư cả năm dự kiến đạt 15-20% – tăng so với mức dự báo 5-10% vào đầu năm.

Tiến sĩ Chin cũng gợi ý các nhà đầu nên tìm kiếm cơ hội tại phân khúc văn phòng cho thuê ở các thị trường còn nhiều dư địa như Singapore hay Seul. Đối với thị trường bán lẻ, các thị trường sở hữu lượng khách du lịch trong nước cao là những lựa chọn đầu tư đáng cân nhắc.